TRANG VĂN HÓA- LỊCH SỬ

GIỌT MƯA TRÊN LÁ.

Tác giả: Lê Anh Tuyết
Thể loại: Đoản văn

**Lời Tòa Soạn : Giọt Mưa Trên Lá(GMTL) là tựa đề nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng GMTL đã tạo cho Thu Tuyết nguồn cảm hứng để viết lên một đoản văn diễn tả toàn cảnh một xã hội đương thời. Từ cách hành văn cho đến cú pháp: Thu Tuyết đã thể hiện tài năng diễn đạt của người cầm bút hội đủ những yếu tố Văn Chương của nền Văn Học Việt Nam. Đọc qua GMTL, độc giả không thể phủ nhận tính hiện thực phê phán trên lãnh vực triết học nhân sinh quan trong cuộc sống con người....
   Trên bình diện Văn Chương, tôi xin mạo muội nhận xét: Thu Tuyết là nữ sĩ đạt được phong cách viết văn theo khuynh hướng Thời Thế pha lẫn hương vị Trào Phúng để tạo nên bức tranh xã hội sống động nét hoạt kê của bọn người bất tài, vô tâm, vô đức...
    Cám ơn tác giả về bài viết nầy. Chúc cho Thu Tuyết nhiều sức khỏe để tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm văn chương thuộc phạm trù: Hiện Thực Phê Phán, để góp phần phong phú cho kho tàng văn chương VN ở hải ngoại hiện nay..
     Adelaide ngày 24/7/2021

     Trường Dương
      DĐNGVN-NU

GIỌT MƯA TRÊN LÁ

“Giọt mưa trên lá, nước mắt mẹ già. Lã chã đầm đìa, trên xác con lạnh giá.
Giọt mưa trên lá, nước mắt mặn mà. Thiếu nữ mừng vì, tan chiến tranh......”* nhưng sao vẫn băng giá lòng tôi
!
     Tiếng ồn của cơn mưa mùa đông đã đưa tôi về con người thật của mình. Tôi rất muốn viết ra những suy nghĩ tích cực, nhưng sao hồn tôi lạnh buốt. Không phải vì mùa đông Melbourne, cũng không phải vì cơn mưa nặng hạt sáng nay. Có lẽ vì những hình ảnh quanh đời: dịch bệnh, đói nghèo, tang thương. Những bất công trong xã hội dẫn đến những cái chết tức tưởi và những cảnh đời đau khổ đến tột cùng. Thế lực tà đạo vẫn bủa vây khắp chốn. Một thanh niên trẻ đầy hoài bão ước mơ bị đánh dã man đến hơi thở cuối cùng (Trần Đức Đô). Một Hồ Duy Hải vẫn chốn lao tù xanh xao vàng võ, mặc cho kẻ sát nhân nhởn nhơ khắp chốn. Và còn biết bao cảnh đời nghiệt ngã vì những bất công.
      Đó dây trên thế giới, đôi khi chỉ vì chút danh, họ sẵn sàng miệt thị hãm hại người ngay lành tử tế. Tôi đã từng chứng kiến những bộ mặt thật; được dấu sau lớp đạo đức, trí thức; hay lớp phấn son dày cộm như những cái mặt nạ bày bán ngoài chợ trời thời bao cấp. Họ kết thành bè lũ tạo sức mạnh để tiêu diệt đối phương bằng mọi thủ đoạn, kể cả thủ đoạn đê hèn nhất; đơn giản chỉ vì lòng đố kỵ cho một chút danh ảo thôi! Còn lợi thì sao? Thật khủng khiếp!
      Bên cạnh những cái mặt nạ kia, quanh tôi còn biết bao tấm lòng thiện lành ngay thẳng đến với tha nhân. Họ không giàu, không đẹp, không tài năng xuất chúng; nhưng đã làm tôi khóc khi nhìn hình ảnh một cụ già đi chân đất cầm trái bí đao dài còn những cái gai mềm mới hái, đem gởi miền Nam trong cơn nguy khốn vì dịch bệnh! Những bao rau, gạo, mắm... phân phát vô vụ lợi khắp các nẻo đường Sài Gòn mà không cần quay phim chụp ảnh để tải lên các phương tiện truyền thông. Họ cũng chẳng quan tâm có bao nhiêu “cái like” cho status hôm nay, bao nhiêu “cái còm” có cánh cho tấm hình mới đăng hôm qua... Ôi! Sân khấu cuộc đời! Trong đó cũng có tôi mà!
      Trước đây tôi ngây ngô tự hỏi: Làm sao để diệt đi cái xấu của phần “CON” trong mỗi chúng ta? Có nghĩa là tôi đã quá lý tưởng để cho rằng: CHÁNH sẽ luôn thắng bọn gian TÀ; nhưng không, tôi đã sai! Không bao giờ thế gian này tiêu diệt được bọn TÀ. Bởi chúng sinh sôi nẩy nở nhanh như tốc độ của ánh sáng, chúng nhởn nhơ tươi tốt như đám cải xanh vừa bón phân sau vài cơn mưa, và hơn hết là khả năng diễn xuất của chúng ngày càng tinh vi đến xuất thần, làm điên đảo loài người. Tuy nhiên, CHÁNH có thể khống chế, làm chậm đi sự phát triển của chúng. Cũng có thể phơi bày sự thật trần trụi của chúng cho loài người né tránh. Và hơn hết chúng sẽ tự tiêu diệt nhau, đơn giản chỉ vì chúng là bọn gian TÀ! Cũng đơn giản vì trong CON có NGƯỜI và ngược lại. Nó đã như một qui luật bất biến.
      Thưa ông Phùng Quán, bài thơ Lời Mẹ Dặn của ông đã lỗi thời chăng! Giá như ông có thể hiện về giữa đêm cho chúng cháu vài lời khuyên: “Dù ai cầm dao doạ giết” Cháu phải làm sao? Cháu còn yêu lắm cuộc đời này nên khó quá để “Cũng không nói ghét thành yêu” như lời ông dạy. Trần Đức Đô đã đau đớn đến tận cùng trước khi lìa trần vì nghe “Lời mẹ dặn”. Than ôi! Có phải sự khốn nạn thời nay nó cũng đạt tới đỉnh cao của nền văn minh hiện đại!
     Mỗi sáng thức giấc cầm cái điện thoại trong tay; đọc vài bài thơ của bè bạn; viết mấy lời chia buồn với những gia đình có người ra đi; chúc vài câu hạnh phúc cho sinh nhật, thôi nôi, ngày cưới...của chung quanh … Nó diễn ra như một thời khoá biểu đã được lập trình sẵn. Một ngày rồi cũng qua.
      Tối đến nghe lời pháp thoại của một vị Sư, hoặc một bài giảng của Đức Cha, hay một video clip về một tiết học dạy làm Người... Vô vàn thông tin được rao bán trên mạng, từ cái rẻ nhất như vài que diêm đến ngọn lửa đốt cháy cả trần gian! Đọc nghe, nghe rồi đọc. Học cách diễn xuất để làm Người, làm Ma, làm Thánh... Nhưng học để trở thành một kẻ “mọn hèn - được yên thân” thôi sao khó quá!   
     Ngoài kia mưa vẫn rơi, âm thanh tí tách trở thành giai điệu xoa dịu những tâm hồn đang rát bỏng vì đời, và rửa sạch muộn phiền trả lại cho tha nhân sự an lành hạnh phúc.
“Giọt mưa trên lá, tiếng nói thầm thì. Bóng dáng Phật về, xoa vết thương trần thế
Giọt mưa trên lá, tiếng nói tinh khôi. Lúc Chúa vào đời, xin đóng đanh vì người
…..
Giọt mưa trên lá, cố gắng nguôi ngoai. Nói với loài người: xin cứ nuôi mộng dàị....”*

ThuTuyet
Melbourne, một sáng đông, 2021